AHA, BHA, RETINOIDS – LỰA CHỌN NÀO HOÀN HẢO NHẤT CHO DA? – Dermatic

AHA, BHA, RETINOIDS – LỰA CHỌN NÀO HOÀN HẢO NHẤT CHO DA?

AHA, BHA, Retinoids là ba trong số những hoạt chất quan trọng trong công cuộc dưỡng da.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và ngành làm đẹp, ngày càng có nhiều mối quan tâm với việc sử dụng các hoạt chất này trong sử dụng hàng ngày.
Tuy nhiên, chúng cũng đồng thời là con dao hai lưỡi gây nhiều tác dụng không mong muốn nếu bạn không nắm được cách sử dụng đúng đắn.
I. Phân biệt AHA, BHA và Retinoids
1. Alpha Hydroxy Acids (AHA)
Alpha Hydroxy Acids (AHA) là nhóm các acid tự nhiên gốc nước được tìm thấy trong thực phẩm, đặc biệt là trái cây.
AHA hoạt động bằng cách phá vỡ các liên kết tế bào da chết trên thượng bì, từ đó kích thích quá trình thay mới tế bào của làn da.
AHA trong mỹ phẩm loại nào có khối lượng phân tử càng nhỏ thì có khả năng thẩm thấu càng cao và do đó hoạt động trên da cũng mạnh hơn.
2. Beta Hydroxy Acids (BHAs)
Beta Hydroxy Acids (BHAs) có cấu trúc phân tử gần giống với AHA. Tuy nhiên, điểm làm nên sự khác biệt giữa chúng là BHA có khả năng tan trong dầu.
Salicylic Acid là loại BHA phổ biến nhất được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp.
Lợi ích mà AHA và BHA mang lại cho da là:
– Cải thiện kết cấu da, giúp nền da trở nên mịn màng, đều màu
– Hỗ trợ cải thiện nếp nhăn, đốm lão hóa nhẹ
– Ngăn ngừa mụn, trị mụn nhờ khả năng làm sạch bề mặt (AHA) và lỗ chân lông (BHA)
– Chống lão hóa nhờ đóng vai trò như chất chống oxy hóa, trung hòa gốc tự do.
– Nồng độ cao AHA hoặc BHA được sử dụng trong điều trị mụn, sẹo, nám và tăng sắc tố da
– Làm dày lớp trung bì nhờ kích thích quá trình tổng hợp collagen.
Trong các sản phẩm dùng tại nhà, nồng độ hoạt chất được dùng không vượt quá 10% đối với AHA và từ 1 – 2% đối với BHA.
Trong điều trị đặc biệt, nồng độ acid có thể lên đến 20 – 30% và cần sự hỗ trợ từ chuyên gia và chỉ định từ bác sĩ da liễu.
3. Retinoids
Retinoids là tên gọi chung cho một nhóm dẫn xuất của vitamin A, bao gồm cả tổng hợp và tự nhiên hoạt động theo cách thúc đẩy sự phát triển, phân chia tế bào, kích thích sản xuất collagen và làm giảm viêm…
Dẫn xuất phổ biến nhất của Retinoids được sử dụng trong mỹ phẩm là Retinol và Tretinoin với các tác dụng tiêu biểu:
– Trị mụn, ngừa mụn nhờ thúc đẩy quá trình thay mới tế bào (cell turnover) và điều hòa bã nhờn trên da
– Giảm thiểu nếp nhăn và ngăn ngừa nhăn
– Đóng vai trò như chất chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa nhờ trung hòa gốc tự do và ức chế hoạt động của enzyme Matrix Metallopeptidases (MMPs) – một loại enzyme bẻ gãy collagen.
– Thúc đẩy sự sản sinh các loại collagen có trong da, đồng thời làm dày lớp trung bì.
– Kích thích tuần hoàn mạch máu dưới da, giúp sắc da hồng hào
– Cải thiện làn da bị tổn thương/ lão hóa bởi phơi nhiễm UV quá mức (photodamage/ photoaging)
– Cải thiện bề mặt, kết cấu da.
– Làm mờ các đốm sắc tố gây ra do bệnh dày sừng ánh sáng, do rối loạn sắc tố.
– Được sử dụng để điều trị đối với bệnh nhân bị vẩy nến.
Tuy nhiên, hoạt chất có tác dụng càng nhiều lại càng dễ gây kích ứng làn da, do đó bạn phải hiểu rõ về các đặc tính của Retinoids trước khi quyết định sử dụng.
II. Chú ý khi sử dụng:
– Kem chống nắng là yếu tố tối quan trọng khi dùng AHA, BHA, Retinoids vì chúng làm mỏng đi lớp sừng của da, khiến da trở nên nhạy cảm và cần được bảo vệ tốt hơn.
– Các sản phẩm dưỡng ẩm, phục hồi là không thể thiếu: Routine càng mạnh, bạn càng phải trang bị các chất dưỡng ẩm, phục hồi màng da (skin barrier) để bảo vệ sức đề kháng của da.
– Nắm rõ các tác dụng phụ có thể xảy ra:
– Đối với AHA, với lần đầu sử dụng, thường bạn sẽ trải nghiệm cảm giác châm chích, hơi rát và râm ran trên da. Hiện tượng này là không đáng ngại, sau một thời gian, da sẽ đáp ứng với tác động của hoạt chất.
– Đối với BHA, tác dụng phụ có thể xảy ra là tình trạng đẩy mụn (purging). Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ giữa purging và breakout (nổi mụn do kích ứng) để có hướng giải quyết phù hợp.
– Với Retinoids, các tác dụng phụ xảy ra với phần đông người sử dụng là hiện tượng bong tróc, da khô căng. Bạn đừng vội hoang mang, mà hãy bổ sung các sản phẩm dưỡng ẩm, đặc trị và thường xuyên thoa kem chống nắng để làn da nhanh chóng phục hồi.
III. Hướng dẫn cho những ai sử dụng lần đầu
– Với lần đầu sử dụng hoạt chất, nên bắt đầu với nồng độ thấp nhất. Nếu bạn có làn da mẫn cảm, nên tiến hành thử sản phẩm trên một vùng da nhỏ trên mặt để kiểm tra không bị kích ứng
– Lần đầu sử dụng, sử dụng với tần suất thấp (1-2 lần/tuần) sau đó dần tăng tần suất lên (3-4 lần/tuần).
– Không nên sử dụng chung hai hoạt chất mới cùng nhau mà nên thử từng thứ một trước để giảm thiểu kích ứng.
– Sử dụng kem chống nắng là bước không thể thiếu trong bất kỳ routine nào
IV. Xử lí khi da bị kích ứng hoặc không đáp ứng hoạt chất
1. Trường hợp da bị kích ứng
– Nếu tăng tần suất tới một mức mới mà da bạn có dấu hiệu nhạy cảm, ửng đó, hãy giãn tần suất sử dụng, đồng thời, bạn nên tích cực bổ sung các sản phẩm có chứa các hoạt chất phục hồi da như Ceramides, Cholesterol, Kinetin, Panthenol (vitamin B5) hoặc Colloidal Oatmeal.
– Tiếp đó, bạn nên tránh sử dụng trong cùng một lần nhiều hoạt chất có hoạt tính mạnh mà sử dụng khác buổi trong chu trình dưỡng da
– Luôn luôn sử dụng kem chống nắng có chỉ số ít nhất là SPF30, tránh nắng và trang bị kính râm, áo khoác, mũ, nón.�
2. Trường hợp da không đáp ứng hoạt chất
Thông thường, khi sử dụng một sản phẩm mới, da sẽ cần thời gian tự điều chỉnh để thích ứng.
Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu như da càng lúc càng mẫn cảm, nổi mụn viêm vẫn không biến mất sau hơn một tuần, có thể thấy khả năng cao da bạn không phù hợp với hoạt chất có trong sản phẩm.
Bạn có thể tham khảo những dẫn xuất nhẹ nhàng hơn cùng thuộc hoạt chất:
– AHA: Thay vì Glycolic Acid, bạn có thể thử dùng sản phẩm chứa Mandelic Acid, Phytic Acid
– BHA: Thay vì Salicylic Acid, bạn nên tham khảo dẫn xuất Betaine Salicylate. Salicylic Acid có trong sản phẩm dạng wash-off như mặt nạ đất sét hay sữa rửa mặt cũng là một lựa chọn không tồi.
– Retinoids: Trước khi sử dụng Tretinoin, bạn nên để làn da làm quen với Retinol, theo đó nâng nồng độ sử dụng, hoặc dùng loại Retinoids khác như Retinaldehyde.

Đánh giá bài viết